Đây là tổng hợp những kiến thức đã được chia sẻ trong buổi Webinar số 1: ĐỊNH VỊ BẢN THÂN, HOẠCH ĐỊNH NGHỀ NGHIỆP diễn giả là anh Nguyễn Văn Tân – CEO của Antdemy.
Mục tiêu của buổi Webinar số 1 là đưa cho các bạn sinh viên công cụ và kiến thức hữu ích giúp các bạn trả lời được các câu hỏi quan trọng như:
- Mình hợp với nghề gì?
- Cách đặt mục tiêu đúng?
- Làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đề ra?
- Tìm kiếm công việc ở đâu?
Buổi webinar số 1 được chia thành 4 phần chính để giúp các bạn sinh viên từng bước, trả lời được các câu hỏi về định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình.
HIỂU RÕ CHÍNH MÌNH – Mình hợp với công việc gì?
Trong một ngành học cố định có rất nhiều chuyên ngành nhỏ để lựa chọn. Khi đi làm thực tế cũng sẽ có nhiều hướng đi khác nhau cho các bạn sinh viên kỹ thuật. Bạn có thể chọn hướng đi về tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty cung cấp thiết bị, hay làm tại các nhà máy sản xuất, đi theo chương trình Management Trainee (MT) để lên quản lý hoặc chuyển qua một ngành mới… Đối mặt với quá nhiều lựa chọn như vậy làm sao để đưa ra quyết định đúng?
Sử dụng công cụ phân tích SWOT để phân tích những lựa chọn
Nếu bạn đang phân vân giữa 3 lựa chọn về hướng đi hay ngành học khác nhau. Hãy lập bảng phân tích SWOT cho từng lựa chọn và bắt đầu bổ sung thông tin. Nhớ là phải viết ra giấy nhé.
Trong bảng phân tích SWOT gồm có:
S – Strength: Những điểm mạnh của bạn đối với công việc đó.
Nếu chọn đi theo hướng các chương trình Management Trainee làm quản lý kỹ thuật bạn có những điểm mạnh gì? Ví dụ như bạn giỏi giao tiếp, quản lý công việc tốt, có khả năng lãnh đạo hay không?. Lưu ý mình đang sử dụng phân tích SWOT cho từng lựa chọn nên chỉ liệt kê những điểm mạnh của bạn phù hợp với lựa chọn đó thôi nhé.
W – Weakness: Những điểm yếu của bạn đối với với công việc đó
Liệt kê những điểm yếu hiện tại liên quan tới công việc. Với yêu cầu của công việc cụ thể có những điều nào bạn chưa đạt được cả về kiến thức, kỹ năng, tính cách… Nếu bạn là một người không quá cẩn thận thì đây có thể là một yếu điểm khi ứng tuyển một vị trí về kế toán, tài chính. Những bước phân tích này yêu cầu bạn phải đặt câu hỏi và nhìn lại bản thân rất nhiều.
O – Opportunity: Cơ hội có được từ lựa chọn đó
Liệt kê những cơ hội bạn sẽ có được khi đưa ra lựa chọn nghề nghiệp đó. Nếu lựa chọn hướng đi theo Management Trainee bạn sẽ nhận được gì, có cơ hội phát triển ra sao. Thị trường hay công ty đang có chương trình vị trí này như thế nào. Mức lương và cơ hội thăng tiến ra sao?
T – Threat: Thách thức gặp phải
Mỗi cơ hội đều đi kèm với thách thức kèm theo đó. Ví dụ như nếu bạn chọn đi theo hướng làm Management Trainee thì thách thức sẽ là áp lực công việc, áp lực cạnh tranh, không được phát triển chuyên môn sâu khi muốn quay lại con đường kỹ thuật thì sẽ khó khăn hơn người khác.
Lưu ý khi làm phân tích SWOT:
- Rất cần thiết phải viết ra giấy để sắp xếp lại những suy nghĩ trong đầu
- Có thể tham khảo ý kiến, và hỏi thêm thông tin từ bạn bè, thầy cô, các anh chị đi trước để có góc nhìn đa chiều và đầy đủ thông tin hơn cho phân tích
- Tự đặt mình vào nhiều tính huống khác nhau hoặc tự đặt câu hỏi cho bản thân: Mình thích gì, mình thấy như thế nào, nếu trong trường hợp đó mình sẽ hành động ra sao. Mục tiêu của các câu hỏi này là để trả lời các câu hỏi về Điểm mạnh và Điểm yếu của bản thân mình
ĐẶT MỤC TIÊU ĐÚNG – Mình muốn làm gì?
Sau khi sử dụng phân tích SWOT có thể một số bạn đã chọn được cho mình ngành học và hướng đi cụ thể cho sự nghiệp. Thường khi hỏi về mục tiêu trong công việc các bạn sinh viên chỉ nói chung chung là “Mình muốn trở nên thành công trong ngành ABC trong X năm tới”. Để đạt được mong muốn đó trước hết bạn cần phải biết cách ĐẶT MỤC TIÊU ĐÚNG CÁCH.
Mô hình S.M.A.R.T trong đặt mục tiêu
SMART là viết tắt của 5 chữ, thể hiện 5 yếu tố quan trọng khi xác định mục tiêu, bao gồm:
Specific: Cụ thể
Mục tiêu cần phải rất cụ thể để góp phần định hướng được cho kế hoạch hành động sau này
- Ví dụ sai: Em muốn trở thành một Kỹ sư thiết kế thành công
- Ví dụ đúng: Em muốn trở thành một Chuyên gia về thiết kế đường ống trong các Tập đoàn kỹ thuật của Nhật và có mức thu nhập $3000 trở lên khi ở tuổi 30
Measurable: Có thể đo lường được
Mục tiêu phải có những phương pháp và hệ quy chiếu để có thể đo lường được
- Ví dụ sai: Em muốn giỏi tiếng anh
- Ví dụ đúng: Em muốn cải thiện khả năng tiếng anh từ 4.0 IELTS lên 6.0 IELTS
Achievable: Có thể đạt được
Mục tiêu nên nằm trong khả năng đạt được của bản thân cũng như phù hợp với tình hình thị trường và các yếu tố bên ngoài
- Ví dụ sai: Em muốn ngay sau khi ra trường liền có được mức lương $2000
- Ví dụ đúng: Em muốn sau khi ra trường có được công việc với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng (6 – 10 triệu là mức lương trung bình của người mới ra trường)
Mục tiêu của bạn cũng không được tự mâu thuẫn với nhau. Ví dụ như nếu đi theo con đường quản lý thì chuyên môn kỹ thuật sẽ bị hạn chế đi. Bạn không thể vừa muốn làm quản lý giỏi và vừa có chuyên môn chuyên sâu về kỹ thuật được.
Relevant: Phù hợp với định hướng dài hạn
Với định hướng lâu dài là trở thành Quản lý kỹ thuật cho một dây chuyền nhà máy của Nhật thì mục tiêu ngắn hạn của bạn cũng cần phù hợp với định hướng đó
- Ví dụ sai: Em muốn học tốt tiếng Hàn và có kinh nghiệm về quản lý kinh doanh
- Ví dụ đúng: Em muốn đạt được tiếng Nhật N2 và có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy quy mô nhỏ hơn
Time-bound: Có hạn định rõ ràng
Khi đặt mục tiêu rất cần thiết phải có một hạn định để lên kế hoạch hành động ngay
- Ví dụ sai: Em muốn đạt được mức lương $2000 trong tương lai
- Ví dụ đúng: Em muốn đạt được mức lương $2000 sau 7 năm khi ra trường
Dựa vào mục tiêu lớn cho những khoảng thời gian dài, bạn có thể tách nhỏ và chia ra thành những mục tiêu nhỏ hơn như 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
LẬP KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG – Mình phải làm gì?
Mục tiêu mãi chỉ là mục tiêu nếu các bạn không có hành động cụ thể để thực hiện nó. Để lên kế hoạch hành động cụ thể cho từng mục tiêu nhất định. Bạn có thể áp dụng mô hình tương tự như quản lý dự án để quản lý kế hoạch của bản thân mình.
What: Cái bạn cần phải làm. Liệt kê những điều phải làm cần cho mục tiêu đó.
Ví dụ Mục tiêu đạt được IELTS 6.0 trong 6 tháng thì những điều phải làm
- Ôn luyện ngữ pháp
- Luyện tập bộ đề
- Học cái làm bài viết của Writing
- Luyện tập nói theo bộ đề
When: Thời gian khi nào cần đạt được.
Cần timeline nhất định cho từng hành động phía trên. Kế hoạch hành động theo từng tháng
- Tháng đầu tiên
- Ba tháng tiếp theo
Who: Nguồn lực của mình như thế nào
Với ví dụ về học tiếng anh bạn cần biết nguồn lực nào mình có
- Tài chính: tiền để đăng ký những khóa học
- Người hỗ trợ: bạn bè, người quen có thể hỗ trợ ôn tập hay hướng dẫn
- Công cụ: có những sách, tài liệu gì để học
How: Bạn sẽ tiến hành nó như thế nào
Đây là bước cuối cùng để tổng hợp lại thành kế hoạch hành động cụ thể gồm: Hành động – Thời gian – Nguồn lực – Cách làm
Với các bạn có nhiều mục tiêu khác nhau, ở một thời điểm chỉ nên tập trung vào 1 – 3 mục tiêu cụ thể thôi. Bạn có thể sử dụng mẫu sau để phân tích và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng mục tiêu
[BẢNG PHÂN TÍCH CƠ HỘI]
TIẾP THỊ BẢN THÂN – Tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp như thế nào?
Khi tham gia vào thị trường lao động thì mặt hàng các bạn bán đó là Sức lao động của bản thân. Bạn có thể áp dụng mô hình 5Ps thường được dùng trong marketing để tiếp thị cho bản thân để tìm được cơ hội nghề nghiệp mong muốn.
Mô hình 5Ps trong tiếp thị bản thân
Product (Sản phẩm)
Bạn có năng lực, thành tích đặc biệt nào để giới thiệu? Bạn có thể cung cấp những kỹ năng và ưu điểm nào cho “khách hàng” của bạn (ví dụ, nhà tuyển dụng tiềm năng)?
Price (Giá cả)
So sánh với ứng viên khác trên thị trường, bạn đem lại giá trị gì?
Promotion (Tiếp thị)
Sau khi đã liệt kê những điểm mạnh và đặc biệt của mình, bạn xem lại yêu cầu của nhà tuyển dụng. Với từng vị trí và công việc khác nhau, bạn có thể chọn để “quảng bá” những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của mình phù hợp với vị trí và yêu cầu của nhà tuyển dụng đó.
Place (Địa điểm)
Để bản thân xuất hiện tại những nơi mà nhà tuyển dụng có mặt để họ có thể “tìm thấy” bạn. Có rất nhiều cơ hội để bạn tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của nhà tuyển dụng như:
- Các sự kiện nghề nghiệp, hội chợ việc làm
- Nộp hồ sơ trực tiếp qua các trang website công ty
- Đăng hồ sơ lên các website tuyển dụng chuyên nghiệp như Vietnamworks, Careerbuiler, Enijobs.com
- Liên hệ với các công ty “săn nhân tài” – các headhunter các mạng xã hội, như Cộng đồng nghề nghiệp trên Facebook và Linkedin
- Từ mối quan hệ của bạn
Positioning (Định vị)
Bạn có những kỹ năng hay chuyên môn nào vượt trội và khác biệt so với các ứng viên
khác? Bạn định vị con đường nghề nghiệp của mình là trở thành chuyên gia, là điều phối viên, tư vấn viên hay nhà lãnh đạo.
Với bốn bước chia sẻ trên hi vọng các bạn đã có được hướng dẫn và công cụ cụ thể cho việc ĐỊNH VỊ BẢN THÂN, HOẠCH ĐỊNH NGHỀ NGHIỆP cho bản thân mình.
Recap webinar: Tìm kiếm thông tin việc làm