Xã hội phát triển, hiện đại hoá năng suất lao động là nhu cầu cần thiết, đòi hỏi sự chuyên môn hoá của thiết bị tự động, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn. Điều này dẫn đến việc các máy móc tinh vi ra đời để hỗ trợ nhằm mang lại năng suất lao động cao nhất cho người lao động và cho cả nhà sản xuất. Vì vậy, nhóm ngành Điện – Điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống.
Theo thống kê từ số liệu công việc đăng tuyển của VietnamWorks, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trong lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019 tăng liên tục trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, theo thống kê, top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất nửa đầu năm 2019 thuộc lĩnh vực sản xuất là: quy trình, sản xuất; cơ khí; Điện – Điện tử. Đây cũng là top 3 đứng đầu về lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019. Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay hàng loạt các ngành về cơ khí – điện tử như: Điện tử viễn thông, Cơ Điện tử, Luyện kim, Ôtô, Chế tạo máy… đang rất thiếu nhân lực. Vì vậy, cơ hội việc làm cho những sinh viên theo học nhóm ngành Điện – Điện tử là rất cao.
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lao động về hai ngành này ngày càng mở rộng, không chỉ cho các cơ sở sản xuất trong nước mà còn cho công tác xuất khẩu lao động. Ở bậc ĐH, kỹ thuật điện điện tử còn được nhiều trường phân ngành chuyên sâu hơn như là điều khiển – tự động hóa, điện tử viễn thông… Các chuyên ngành này đều trang bị, cập nhật cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực mình đã lựa chọn. Cụ thể, sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, máy điện, vật liệu điện, đo lường điện, vẽ điện, kỹ thuật truyền thanh, kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện… Đặc biệt đây là một ngành học đòi hỏi phải được thực tập nhiều nên trong quá trình học, mỗi sinh viên cũng phải trải qua hàng chục phần thực hành khác nhau. Ở các bậc CĐ, THCN và CNKT, tuy lượng kiến thức được đào tạo không nhiều như bậc ĐH nhưng người học có cơ hội được thực hành nhiều hơn.
Hiện nay tất cả thiết bị sản xuất, gia dụng phục vụ cho các hoạt động trong đời sống hàng ngày đều sử dụng nguồn điện. Chứng tỏ rằng nguồn năng lượng điện vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng và cần thiết đối với đời sống con người. Đây chính là lý do khiến ngành Kỹ thuật điện – điện tử chưa bao giờ là ngành học cũ và nguồn nhân lực cho việc vận hành, quản lý đối với nhóm ngành này cũng không hề nhỏ. Vì vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật điện – điện tử sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, với nhiều cơ hội đa dạng và phong phú như: có thể làm việc tại công ty điện lực, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về quy hoạch mạng điện, có thể làm việc với vai trò là người trực tiếp lao động, vận hành trong tất cả lĩnh vực trên hoặc cũng có thể tham gia thiết kế, tư vấn việc sử dụng điện và các thiết bị điện tử cho các công trình vừa và nhỏ, có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao. Ngoài ra, kỹ sư Điện – Điện tử còn có thể làm việc trong ngành bưu chính viễn thông, Tổng cục Điện tử Việt Nam và các công ty trực thuộc…
Bên cạnh đó, hiện nay các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển. Công việc thiết lập nên các hệ thống điều khiển tự động này chính là công việc của ngành Điện – Điện tử. Và xây dựng được một hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện để điều khiển hầu hết mọi thiết bị là cơ sở cho hiện đại hóa nhà máy, hiện đại hóa đời sống, và hiện đại hóa nền công nghiệp.
Nguồn tham khảo: huongnghiepviet.com, oisp.hcmut.edu.vn, thanhnien.vn.