Những năm cuối đại học 2004-2005, là những năm mình thấy bùng nổ các chương trình Management Trainee (là một trong những chương trình tuyển chọn ứng viên tài năng của các công ty lớn). Năm 2004, Unilever là một trong những đơn vị đầu tiên vào trường BK để khởi động chương trình management trainee, điều kiện nộp hồ sơ lúc đó khá gắt gao, điểm GPA phải trên 7.5 và vượt qua vòng kiểm tra tiếng Anh sơ bộ, qua vòng này các bạn sinh viên năm cuối như mình được tham dự 1 buổi chào đón rất hoành tráng ở 1 khách sạn trong thành phố.
Năm đó các công ty đa quốc gia khác như P&G, Cocacola, ngành dầu khí thì có BP, Schlumberger và Transocean. Tốt nghiệp đại học với thành tích tốt rất dễ để có một cơ hội nghề nghiệp rộng mở cùng các công ty lớn.
Đa phần, trong các cuộc tuyển chọn mà mình tham gia đều có các vòng: làm các bài test tiếng Anh, IQ và EQ, verbal test (BP), có 1 dạng test nữa là kiểm tra việc lựa chọn thông tin (đọc sao hiểu vậy, không được suy diễn); kế tiếp là các vòng phỏng vấn và 1 ngày assessment day cuối cùng (thường làm việc nhóm và trình bày).
Năm 2004, mình rớt vòng phỏng vấn của Unilever, nhưng năm 2006 thì mình vào đến vòng cuối của P&G. Lúc đó mình khăng khăng làm BDM, mà P&G thì họ bảo mình chỉ hợp với kỹ thuật và offer vị trí kỹ thuật. Lúc đó mình từ chối vì nhận được offer của BP, theo chương trình Challenge của BP. Đó là 1 lựa chọn nghề nghiệp, mà thay đổi sâu sắc đến tư duy và cuộc sống sau này. Mình vẫn nghĩ rằng, cách quản trị của mình hiện tại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cách đào tạo của BP, và cả niềm tin tôn giáo của mình được nuôi dưỡng trong môi trường Công giáo (học Giáo lý từ thủa bé).
Mình tin rằng, nhờ các chương trình management trainee đó của 15 năm về trước, mà VN có rất nhiều nhân tài được tìm thấy, các bạn ấy bây giờ có thể đang làm start-up, doanh nghiệp nhỏ hay các corporate lớn, thì tài năng các bạn đã giúp thị trường tiêu dùng cất cánh. Các bạn ấy cũng tạo nên những con người có thể làm việc quốc tế. Mình cũng tin là có rất nhiều bạn tư duy còn tốt hơn cả Tây, và thậm chí tốt hơn nhiều.
Mình vẫn nhận được câu hỏi của các bạn mới ra trường, hay mình tư vấn cho mentee (trong Vietseeds) là nếu muốn khởi nghiệp, các bạn hãy học tốt và thử 1 tham gia 1 chương trình như thế. Có nền tảng rồi, các bạn làm gì cũng sẽ vững chắc hơn sau này.
Đọc thêm bài:
Các chương trình quản trị viên tập sự (Management Trainee Programs) hiện nay (2020-2021)
Chương trình quản trị viên tập sự Unilever 2021
Nestlé Management Trainee Program 2021
Những năm 2005-2010, bạn sinh viên nào vừa tốt nghiệp mà pass qua các vòng tuyển chọn chương trình MT là một sự tự hào không hề nhẹ chút nào so với các bạn cùng trang lứa. Các chương trình này là fast track program cho việc phát triển nghề nghiệp.
Nhưng bước vào chương trình chỉ là khởi đầu của một hành trình dài thử thách và cố gắng.
Điểm chung của các chương trình MT là các bạn được luân chuyển nhiều vị trí khác nhau qua nhiều phòng ban, mục đích để hiểu về chiều rộng của nghề nghiệp, và sau đó là các thử thách mang tính chiều sâu hơn.
Một Challenger của BP thì thường phải trải qua 3 assignment khác nhau, có thể global, có thể local tùy vào nhu cầu nhân sự và sự sắp xếp sau mỗi lần đánh giá. Sau mỗi assignment đó, sẽ có 1 buổi đánh giá của hội đồng bao gồm Challenger, Challenger Champion, Mentor, HR, và Team leader. Buổi đánh giá là buổi nhìn lại những gì challenger đã làm, đã học và mức độ competence theo thang đánh giá. Các đánh giá này đều là định lượng vì Challenger phải đưa ra được bằng chứng cụ thể mình đã làm điều đó như thế nào, bài học rút ra sau mỗi thất bại và thành công là gì. Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận về next assignment dựa trên kết quả đó, để hỗ trợ Challnger có thể fill the gap sau khi đánh giá.
Cái hay của các chương trình MT không chỉ ở mức độ hiểu về các phòng ban (chiều rộng), hiểu về chuyên ngành mình đeo đuổi (chiều sâu), mà còn ở chỗ công ty tạo điều kiện rất lớn để đi học, tham dự các khóa training và các chương trình cải thiện kỹ năng mềm như public speaking, presentation, teamwork (experience sharing session chẳng hạn), debate and discussion (debate trước toàn công ty về 1 chủ đề), communication, tổ chức sự kiện (thường các bạn làm host cho các sự kiện nội bộ của công ty). Năm 2006-2009, mình có hẳn 1 Mentor là Operations Manager làm mentor cho mình, là người chỉ dẫn cách ăn cách nói và cách hành xử trong tổ chức, cũng là người có thể tâm sự về những băng khoăn trong định hướng nghề nghiệp.
Bây giờ nhìn lại, mình thấy những gì đã trải qua thật là đáng quý và đang nhớ. Các chương trình MT ấy, thực sự là đóng góp rất lớn của các công ty đa quốc gia, trong việc tạo ra đội ngũ nhân sự tốt nhất, theo chuẩn mực quốc tế nhất, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Điểm được của các chương trình management trainee mình đã chia sẻ trong các bài viết trước, nhìn chung những gì chương trình này cung cấp là một lộ trình rất bài bản được thiết kế từ các cố vấn nhân sự cao cấp trong các tập đoàn lớn, và trainee thì cần rất nhiều cố gắng để vượt qua và tự khẳng định mình.
Tuy nhiên, thường thì các chương trình này kéo dài, và đòi hỏi sự kiên nhẫn của trainee, những người có thành tích khá tốt trong trường đại học. Việc kéo dài như vậy thường gây cho trainee cảm giác mình làm thực tập sinh khá lâu (đóng vai phụ), sự nôn nóng được cống hiến cũng dần nguội lạnh. Ngoài ra, việc khẳng định vị thế trong tổ chức cũng khó khăn hơn rất nhiều, vì đa phần đồng nghiệp đều coi là thực tập sinh chưa tốt nghiệp nên những công việc được giao chưa thực sự quan trọng, để có thể tạo ra đột phá cho tổ chức. Điều này tạo nên sự thất vọng ngấm ngầm trong bản thân mỗi người trainee, là những người có sự tư tôn khá cao, và khao khát cống hiến tạo ra sự thay đổi trong tổ chức. Điểm rơi nghề nghiệp khi tốt nghiệp chương trình cũng rất quan trọng, nếu tại thời điểm tốt nghiệp, công ty không có vị trí phù hợp về quản lý hoặc về chuyên môn sâu, mà chỉ phân công một công việc bình thường cũng dễ làm cho trainee thất vọng do khi vào chương trình có sự kỳ vọng khá cao. Mình cũng không biết kết bài viết này như thế nào, nhưng mình tin là cái được nhiều hơn rất nhiều, và nếu có cơ hội, các bạn sinh viên tốt nghiệp cứ thử sức nhé. Mỗi bước đi là một bài học kinh nghiệm, và bài học nào thì cũng đáng quý cho sự nghiệp sau này của các bạn.
Bài viết EniJobs.com được chia sẻ từ tác giả anh Bùi Hải Phú – Vietan Group
Tham khảo:
Các chương trình quản trị viên tập sự
Các chương trình quản trị viên tập sự 2022
[…] Các chương trình management trainee những năm 2005 thì như thế nào? […]