[Interview Tips] Những Điều Cần Lưu Ý Khi Phỏng Vấn Deal Lương

0
3364

Đừng bao giờ đồng ý ngay với mức lương nhà tuyển dụng đưa ra đầu tiên. Các công ty thường định sẵn ngân sách tuyển dụng cho vị trí họ cần tuyển, đi từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Vì vậy, trừ phi mức lương nhà tuyển dụng đưa ra vượt xa mức lương mơ ước của bạn, hãy tìm cách thương lượng thêm nếu có thể.

Nên chuẩn bị gì để đàm phán lương?

1. Tìm hiểu về mức lương cho cùng vị trí trên thị trường tuyển dụng

Trước khi bạn bước vào vòng thương lượng mức lương, bạn cần phải biết mặt bằng chung về mức lương cho cùng vị trí đang được tuyển dụng tại các công ty khác như thế nào. Bạn có thể tìm hiểu thông tin bằng nhiều cách khác nhau.

  • Nói chuyện với những người bạn quen biết đang làm cùng lĩnh vực. Những thông tin về mức lương họ chia sẻ cho bạn biết là những thông tin cần thiết để có thể hình dung và định hình được mức lương phù hợp cần thỏa thuận khi tham gia vào vòng deal lương khi tìm việc làm.
  • Truy cập vào các trang web tuyển dụng uy tín như careerbuilder.vn, vietnamworks.com,… tại những trang web này có hàng ngàn công việc được tuyển dụng từ nhiều công ty, với mức lương cụ thể cho từng vị trí. Do vậy bạn dễ dàng biết được mức lương trung bình cho vị trí đang muốn ứng tuyển.

2. Xác định phạm vi lương của bạn

Để có thể deal lương hiệu quả đòi hỏi bạn phải xác định 2 yếu tố:

  • Số tiền cao nhất bạn có thể nhận được là bao nhiêu?
  • Số tiền thấp nhất bạn có thể chấp nhận được là bao nhiêu?

Khi Deal lương bạn cần dựa trên hai con số này, mức lương thương lượng cần nằm trong phạm vi này nếu mức lương thấp hơn mức thấp nhất bạn đề ra thì hãy dừng lại và tìm một công việc tại công ty khác có mức lương phù hợp với kỳ vọng của bạn.

  • Hãy nhớ là không nên đặt phạm vi mức lương quá thấp! Thật sự là không ai mong muốn mức lương của mình thấp cả. Nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ thường có xu hướng đánh giá thấp giá trị của họ. Thay vào đó hãy dựa vào mặt bằng lương trên thị trường tuyển dụng và những kinh nghiệm quý báu giúp mang lại lợi ích cho công ty.
  • Ngoài ra, hãy nghĩ đến bất kỳ sự cân bằng nào mà bạn có thể chấp nhận được. Ví dụ như bạn có thể sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn một chút để tăng thời gian đi nghỉ hoặc các ngày nghỉ phép.

Cách thỏa thuận lương khi phỏng vấn

1. Thể hiện bản thân phù hợp với vị trí tuyển dụng 

Để có thể yêu cầu được mức lương mong muốn, trước hết bạn cần phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng đó. Vì vậy, hãy thể hiện bản thân, kinh nghiệm, kỹ năng của mình để nhà tuyển dụng thấy mình là người mà họ cần tìm. Khi nhà tuyển dụng cảm thấy bạn có năng lực thì họ sẽ sẵn sàng trả cho bạn mức lương phù hợp.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hiểu rõ giá trị bản thân. Ví dụ với kinh nghiệm là Digital Marketing 2 năm thì mức lương tạm ổn là bao nhiêu?. Đây cũng là điều bạn cần phải biết bởi nó xác định giá trị của bạn trên thị trường.

2. Yêu cầu nhà tuyển dụng giải thích rõ hơn về mức lương bổng

Một số công ty hiện nay áp dụng các cách tính lương khác nhau. Trước khi ứng tuyển, bạn cần tìm hiểu rõ mức lương trung bình của vị trí bạn đang tuyển dụng là bao nhiêu trên thị trường. Nếu không trả lời câu hỏi này được, nghĩa là bạn đã đánh mất đi một con át chủ bài trong quá trình đàm phán lương bổng. 

Hãy tìm hiểu kỹ mặt bằng chung trên thị trường trước khi bước vào vòng đàm phán lương. Nếu không sẽ xảy ra 2 trường hợp: Bạn đàm phán mức lương quá thấp hoặc là bạn đòi hỏi mức lương quá cao đến nỗi nhà tuyển dụng nghĩ bạn là kẻ hách dịch, khó có thể hòa hợp trong môi trường làm việc của công ty.

Ví dụ, khi bạn đọc trên trang tuyển dụng ghi mức lương 7.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi nhà tuyển dụng giải thích rõ thì thực chất chỉ có 5.000.000 đồng/tháng là lương cơ bản, còn lại là lương doanh số hay hoa hồng từ sản phẩm,…

Vì vậy, bạn cần chú ý về các thành phần lương sao cho không bị nhầm lẫn về mức lương của công ty. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hỏi rõ về cách thức chấm công, các ngày nghỉ, giờ nghỉ của công ty.

3. Công ty có áp dụng các điều luật về BHXH, BHYT hiện hành hay không? Và những phụ cấp trong công ty như thế nào?

Câu hỏi này sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp của bạn. Bạn sẽ chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có kiến thức và nắm rõ về các Điều Luật lao động. Và đương nhiên, bạn cần biết về thủ tục cũng như những phần trích lương hàng tháng của mình để không phải chịu thiệt.

Ở những công ty chuyên nghiệp, ngoài các khoản lương các bạn còn được hưởng một số khoản phụ cấp khác ví dụ như: phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe, phụ cấp các dịp lễ tết,…

4. Không than vãn khi đàm phán lương bổng

Bạn cần phải trả tiền nhà trọ, tiền di chuyển do nhà bạn ở xa công ty hay bạn phải thường xuyên chi tiêu cho một căn bệnh mãn tính,… Tất cả những điều này không liên quan gì đến quá trình đàm phán lương. Đừng than vãn về những điều khó khăn trong cuộc sống và mong rằng nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một mức lương cao hơn.

5. Phải kiên nhẫn đàm phán

Một trong những điều quan trọng nhất trong đàm phán lương bổng cũng như bất kỳ cuộc đàm phán nào khác là sự kiên nhẫn. Hãy tìm cách từ chối khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra mức lương sàn. Và hãy tỏ ra thận trọng khi trả lời những yêu cầu đưa ra mức lương cụ thể của nhà tuyển dụng.

Bạn cũng không nên đặt ra một con số cụ thể. “Tôi muốn mức lương thấp nhất là 10 triệu đồng” hay “Tôi từng được công ty cũ trả lương 20 triệu đồng”,… Đây là cách đàm phán không nên dùng cho các vị trí cấp cao. Bất cứ con số nào được nói ra trước sẽ là một bất lợi cho bạn.

Do đó hãy luôn yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương họ dành cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Sau đó, bạn mới tiếp tục thương lượng trên mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra.

Đàm phán lương là kỹ năng hết sức quan trọng và rất cần thiết để đem lại quyền lợi cho bạn khi làm việc, vì vậy các bạn cần phải hết sức cẩn trọng khi phỏng vấn để thỏa thuận được một mức lương phù hợp giúp bạn phát huy tốt nhất khả năng của mình trong công việc.

Nguồn tham khảo: HRInsider, Iconicjob.vn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây