Đi làm không có nghĩa là cuộc đời hoàn toàn màu xám nhưng sẽ có nhiều điều khiến bạn phải ồ à ngạc nhiên rằng tại sao đến bây giờ mới nhận ra điều này nhỉ.
1. Đừng theo đuổi đam mê
Về cơ bản, nếu bạn làm theo lời khuyên “Hãy theo đuổi đam mê của bạn!” thì bạn phải làm theo 3 bước sau:
1. Tìm ra đam mê của bản thân
2. Xem nghề nào hợp với đam mê của mình
3. Theo đuổi nghề đó
Nghe qua thì rất xuôi tai vì nó làm bạn thực sự thoải mái và thỏa mãn cái tôi của mình. Trên báo chí cũng không thiếu những bài về những người thành công đưa ra lời khuyên nên theo đuổi đam mê của bản thân đi. Nhưng nói trắng ra, nếu nghe theo lời khuyên đó thì hầu hết mọi người sẽ chẳng biết làm gì, thậm chí giậm chân tại chỗ ngay từ bước đầu tiên.
Vấn đề nằm ở chỗ, bạn nghĩ là bạn chỉ cần ngồi đó, nghĩ ngợi và bỗng nhiên nhận ra đam mê bấy lâu của mình. Nhưng điều đó chỉ là do bạn nghĩ mà thôi! Nếu bạn thành thật với bản thân mình, bạn sẽ thấy: bạn không bao giờ làm được điều đó. Tỉnh ngộ đi, nếu không bạn cứ tìm kiếm mãi hai chữ “đam mê” trong vô vọng và rồi sẽ có lúc cảm thấy tuyệt vọng vì chỉ thấy bản thân vô dụng mà thôi.
Những người thành công nổi tiếng được báo chí tung hô cũng đã phải trải qua rất nhiều những giai đoạn khó khăn mà có kể ra nhiều đến mấy thì những người ngoài cuộc như chúng ta cũng chẳng hiểu được. Bạn chỉ nhìn thấy trái chín, chứ không hề biết họ đã cày cuốc cực khổ ra sao. Muốn theo đuổi đam mê, bạn tưởng đam mê đi trước hành động, bạn tưởng phải thích cái gì đó trước rồi mới làm tốt được, sai rồi!
Cách duy nhất để tìm ra đam mê, là bạn phải thực sự tìm một công việc và thử làm một thời gian. Thời gian đó nên đủ dài để bạn “thấm”, để bạn xem bản thân có thích và phù hợp với nghề này không. Trong thời gian đó, bạn cũng nên chắt chiu và chọn lọc những kinh nghiệm mình thu được vì những kinh nghiệm này sẽ dần dần cho bạn thấy rõ bạn thực sự mạnh điểm gì, yếu điểm gì.
Khi bạn giỏi làm một thứ gì đó, bạn sẽ thấy đam mê nó. Đơn giản vậy thôi. Đừng nằm chờ sung rụng.
Và nhân tiện…
2. Đừng cuống quýt khi chưa có định hướng cho tương lai
Ở tuổi này ai cũng vậy. Thậm chí nếu bạn nghĩ mình biết chính xác định hướng tương lai của mình, thì “Không, bạn cũng không biết đâu. Bạn tưởng vậy thôi.”
Dần dần khi đến gần tuổi 30, một số bạn may mắn sẽ bắt đầu thực sự biết rõ định hướng sắp tới của mình. Nhưng nếu chưa, cũng chẳng sao cả. Bạn nên biết rằng thậm chí đến tuổi 30, 40, ở bất kỳ giai đoạn nào đi nữa, con người ta cũng vẫn sẽ không biết mình muốn gì, theo kiểu này hay kiểu kia.
Chỉ cần bạn nhớ rằng, nhờ cái sự mông lung đó mà bạn sẽ có rất nhiều thay đổi sau này. Đổi ngành đổi nghề, đổi công ty chỉ là một phần của những thay đổi đó.
Đừng chỉ nghĩ rằng chỉ có một mình bạn rơi vào tình huống oái oăm này. Bởi vì…
3. Bản thân mỗi chúng ta không hề đặc biệt
Nếu bạn nghĩ mình giỏi giang và có năng lực, thì trên thực tế, ngoài kia cũng có nhiều người giỏi như bạn vậy. Thậm chí còn hơn nữa.
Nếu bạn nghĩ mình đang lạc lối, thì trên thực tế, ngoài kia cũng có hàng ngàn người giống như bạn. Thậm chí còn hơn nữa.
Vì vậy, hãy cứ bình tĩnh. Hãy cứ mở lòng ra, tận hưởng những gì cuộc sống bày ra cho bạn, và làm gì đó có ích cho xã hội. Vậy là đủ.
Bạn còn trẻ, cứ thử và sai đi.
Hơn nữa…
4. Bị từ chối không có gì đáng buồn cả
Bạn sẽ bị từ chối rất nhiều khi phỏng vấn xin việc. Nhưng đừng vì vậy mà buồn phiền hay tự ti. Điều đó không có nghĩa là bạn là một kẻ vô tích sự. Chỉ đơn giản là bạn không hợp với công ty.
Thật!
Thử nghĩ nhé. Trong hôn nhân, sẽ rất ngu ngốc (và thảm hại) nếu bạn muốn cưới tất cả những người bạn gặp lần đầu. Bạn và người ấy chí ít sẽ phải trải qua 1 quá trình tìm hiểu để chắc chắn rằng cả 2 hợp gu với nhau. Sự thật là công ty chỉ muốn nói “Anh rất tốt nhưng em rất tiếc” thôi. Và bạn nên biết ơn về chuyện đó.
Khi bạn háo hức nộp đơn vào một công ty nào đó, lí do luôn luôn là lương “ngon”, và khả năng của bản thân làm được việc đó. Nhưng, chưa chắc bạn phù hợp với văn hóa của công ty, hay những đồng nghiệp xung quanh bạn. Cho dù bạn có được nhận vào công ty đi chăng nữa, thì chỉ sau vài tháng, bạn sẽ thấy lương cao tới mấy cũng không thể bù đắp nổi cho việc mỗi ngày bạn phải đi làm và bị giam cầm khổ sở trong văn phòng 8 tiếng, công việc quá áp lực, đồng nghiệp ganh ghét nhau, cạnh tranh từng tí một vì doanh số bán hàng…
5. Đi làm rồi mới thấy sẽ khó có thêm bạn mới
Khi cuộc sống mới thực sự chiếm trọn thời gian của bạn, thì không phải ai cũng có thể đồng hành cùng bạn suốt được. Đặc biệt với những người hướng nội, việc kết bạn mới không dễ dàng như trước nữa. Môi trường đi làm và xã giao khiến bạn chỉ làm quen, và giữ kẽ, chứ ít khi mở lòng ra được như trước.
Vì vậy hãy tranh thủ liên lạc và giữ mối quan hệ với những người mà bạn thấy quan trọng. Hãy chủ động gặp gỡ và làm quen với nhiều người mới vì bất kì ai cũng có thể sẽ làm cuộc sống của bạn phong phú hơn, có thể giúp bạn mở ra rất nhiều cơ hội khác sau này.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng…
6. Càng về sau càng khó tiết kiệm tiền
Khi đi làm, bạn có một khoản thu nhập riêng, tất nhiên là bạn không cần phải eo hẹp chi tiêu như thời sinh viên nữa. Có được thu nhập riêng, cuộc sống của bạn chắc chắn thoải mái hơn vì không dựa vào trợ giúp của bố mẹ nữa. Nhưng chính vì thế, đôi khi bạn vung tay quá trán, mua một món đồ đắt tiền rồi lại bỏ xó sau vài tháng.
Nếu nhìn xa một chút, bạn sẽ thấy biết tiết kiệm ngay từ bây giờ là rất thông minh. Bạn sẽ không biết khi nào mình bị sa thải, khi nào mình phải nằm viện… đâu hay kể cả là sau khi kết hôn bạn sẽ phải chi hàng đống tiền cho phí điện nước, phí gas, tiền mua bỉm sữa cho con,… Sẽ không bao giờ việc để dành tiền lại dễ hơn lúc này.
Nhưng…
7. Hãy sử dụng tiền thoải mái và thông minh khi có tiền
Dùng tiền thông minh ra sao? Rất đơn giản:
1. Hãy xác định những thứ khiến bạn cực kỳ sung sướng và thích thú. Có thể bạn cực kỳ thích ăn ngoài, hoặc cực kỳ mê đồng hồ, hoặc cuồng sneakers…
2. Sau khi đã loại trừ hết các chi phí, và để riêng ra 1 khoản để dành, bạn có toàn quyền tiêu xài thoải mái vào thứ mà bạn thích mà không ai có quyền nói gì được.
3. Nhưng trong khi đó hãy cực kỳ mạnh tay cắt giảm tất cả những hạng mục khác mà bạn không mặn mà lắm. Những thứ có cũng dc, không có cũng chỉ hơi khó chịu chút thôi.
Và đừng do dự khi dùng tiền đầu tư vào kiến thức & sức khỏe của bản thân, vì sau này bạn sẽ dùng nó tạo ra thêm nhiều tiền nữa, và đầu tư vào việc duy trì, mở rộng mối quan hệ với bạn bè, người quen… Network sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong cuộc sống, từ cơ hội việc làm, kinh doanh, đến những thông tin kiến thức mà bạn khó lòng biết được…